Social Bookmarking Service

Tình hình kinh tế Việt Nam là một chủ đề được báo Le Figaro quan tâm đến. Theo tờ báo, hậu quả của đợt sóng thần tsunami tại Nhật Bản năm rồi, trận lũ lụt tại Thái Lan, giá nhân công đang tăng tại Trung Quốc khiến cho Việt Nam trở thành "thiên đường" đối với các doanh nghiệp nước ngoài muốn chuyển dời sản xuất.

Le Figaro cho biết : từ nhãn hiệu Samsung, Canon, Foxconn, Neon Led, Hazan Group v.v… bất kể là thương hiệu của Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, tất cả các tập đoàn lớn đều có mở cơ sở tại Việt Nam. Theo tờ báo, thảm họa thiên nhiên năm rồi xảy ra tại Nhật Bản và Thái Lan đã khiến cho hơn 200 tập đoàn Nhật Bản phải chuyển sản xuất đến Việt Nam với mức đầu tư lên đến 1,4 tỷ euro.

Vào tháng 7 năm 2011, tập đoàn SEB của Pháp cũng đã mua lại Asian Fan, một doanh nghiệp hàng đầu trong nước chuyên sản xuất quạt máy để từ đó tạo một nhịp cầu với châu Á. Và vào cuối tháng 12 năm vừa qua, Nokia cũng đóng cửa một nhà máy tại Rumani để lập một nhà xưởng khác tại phía Bắc ở Việt Nam.

Le Figaro cho biết, hầu hết trước đây các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tập trung chủ yếu ở các mặt hàng thứ cấp như hàng dệt may hay giày và ngành công nghiệp nhẹ nhằm tận dụng mức lương thấp trong nước. Nhưng kể từ bây giờ Việt Nam ngày càng hướng đến những lãnh vực tinh vi hơn và hướng vào các ngành dịch vụ.

Trong một báo cáo được công bố hồi tuần rồi, MacKinsey Global Institute tỏ ra hài lòng về mức tăng trưởng mạnh của Việt Nam trong vòng 5 năm rồi (trung bình 7%/năm) và sự cải thiện rõ nét về hiệu năng sản xuất. Bản báo cáo cũng đáng giá rằng « việc mở rộng các dịch vụ có giá trị cao cho thấy rõ một hướng phát triển đầy hứa hẹn ». Đồng thời bản báo cáo cũng khẳng định rằng « qua việc dựa vào nguồn nhân lực có bằng cấp cao , Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong sáu điểm đến trên thế giới chuyên cung cấp các dịch vụ bờ biển.

Báo cáo cho biết chỉ tính riêng trong năm rồi, các dịch vụ này đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam 1,5 tỷ đô-la và mang lại việc làm cho 100 ngàn người. Báo cáo cho rằng nhờ vào « 257 ngàn sinh viên có bằng cấp ra trường mỗi năm từ các trường trung học và đại học » và do việc mức lương trả một kỹ sư tin học tại Việt Nam thấp hơn tại Trung quốc đến 60%, Việt Nam còn có thể phát triển nhiều hơn nữa.

Le Figaro cho rằng các trường đại học lớn của Pháp từ Paris cho đến Toulouse, đến cả Lyon, Bordeaux và Orléans đã không sai lầm khi đề nghị mở các chương trình đào tạo thạc sĩ ngành quản trị hay tài chính tại chỗ ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Le Figaro cũng lưu ý rằng để cạnh tranh với Ấn Độ, Việt Nam cần phải vượt qua được ba thử thách lớn :

- Thiết lập các cơ quan chuyên môn trong lãnh vực mà họ không mong đợi

- Phát triển nhiều hơn là các quan hệ đối tác công-tư

- Chứng tỏ cho thấy có một ý chí chính trị tham gia thật sự

Bài viết nhắc lại là kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách « Đổi mới » vào năm 1986 và việc tham gia vào Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) năm 2007, chế độ cộng sản đã mở cửa. Nhưng Việt Nam cũng có nhiều việc cần phải làm hơn nữa.
Bài viết cũng cảnh cáo rằng, dù hiện nay Việt Nam có thể tận dụng được nguồn lao động trẻ, nhưng quốc gia này cũng phải đối mặt với việc tăng lương như Trung Quốc, khiến cho quốc gia này đang mất dần thế cạnh tranh trước Bangladesh và Campuchia. Và nếu muốn duy trì nhịp tăng trưởng như thời gian vừa qua, dứt khoát là Việt Nam cần phải nâng dòng sản phẩm của mình. Và cuối cùng, như nhận xét của McKinsey, nếu Việt Nam đạt được các điều đó, quốc gia này có thể « thực hiện giấc mơ trở thành đối thủ nặng ký trong lãnh vực công nghệ thông tin .

Theo Le Figaro

0 comments

Post a Comment
© 2010 Simplex Newsportal · Subscribe:PostsComments · Designed by Daily News ·With the help of Accommodation in Kiev,China Wedding Dresses ,Email Marketing Software ,Free iphone 4